Theo thói quen canh tác thông thường, mọi sâu bệnh hầu hết được diệt trừ bằng các loại thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, những loại thuốc này gây hại rất nhiều tới các sinh vật có lợi, môi trường tự nhiên và sức khỏe con người. Vì vậy, nông nghiệp hữu cơ đã thay thế chúng bằng nhiều biện pháp khác nhau.
1. Sâu bệnh ngày càng trở nên khó kiểm soát
Sâu và bệnh xuất hiện trong mọi hệ sinh thái. Chúng đóng góp một vai trò hữu ích do chúng tấn công và loại bỏ những cây yếu kém.
Trước đây, đặc biệt vào trước những năm 50, nông nghiệp đã rất gần gũi với thiên nhiên, khi đó hệ sinh thái lành mạnh, cân bằng nên tình trạng sâu, bệnh không quá nặng nề. Chúng ít khi xuất hiện với số lượng lớn vì các loại sâu, bệnh gây hại cũng bị ăn thịt, bị ký sinh hoặc bị gây bệnh bởi những loài đối kháng.
Tuy nhiên, ngày nay do con người lạm dụng các loại hóa chất như thuốc trừ sâu, diệt cỏ… với liều lượng nhiều trong thời gian dài đã phá vỡ sự cân bằng của môi trường, các loại sinh vật có lợi cũng bị tiêu diệt nên các phương pháp bảo vệ thực vật ngày càng trở nên khó khăn hơn.
2. Phòng trừ sâu hại cây trồng trong nông nghiệp hữu cơ
Mục tiêu của nông dân làm nông nghiệp hữu cơ là “bắt chước” tự nhiên nhiều tới mức có thể. Họ duy trì việc che phủ đất, nuôi dưỡng độ phì của đất thông qua tiến trình phân giải tự nhiên, tránh độc canh, bảo vệ sự cân bằng giữa sâu bệnh hại và thiên địch. Bằng cách duy trì một hệ sinh thái khỏe mạnh, nông dân cố gắng ngăn cản sự bùng phát của sâu gây hại.
Canh tác hữu cơ tránh sử dụng thuốc trừ sâu dễ hòa tan và nhanh chóng phân tán vào chuỗi thức ăn hoặc nguồn nước. Chỉ một lần sử dụng chúng có thể làm mất cân bằng giữa sâu và những động vật có ích, động vật ăn sâu.
Vì vậy, người nông dân phải sử dụng các loại thuốc tự nhiên từ thực vật an toàn nhất để diệt sâu gây hại trong canh tác nông nghiệp hữu cơ.
3. Phòng trừ bệnh hại cây trồng trong nông nghiệp hữu cơ
3.1 Những sinh vật sống có thể gây bệnh cho cây trồng
Các loại sâu bệnh phát sinh trên cây trồng thường bị gây ra bởi một trong các yếu tố sau đây:
– Các nấm gây bệnh làm cho một phần cây trồng bị thối, xuất hiện các vết đốm, có một lớp sợi mịn bao phủ giống như bột (là các bào tử nấm). Một số bệnh nấm chủ yếu gồm sương mai (phytophthera), bệnh thán thư (Colletotrichum)…
– Vi khuẩn gây bệnh: Chúng có kích thước rất nhỏ, mắt thường không nhìn thấy được thường làm cho cây bị héo, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây, làm hoại tử phần rễ của cây… Một số bệnh chính do vi khuẩn gây ra gồm héo xanh, thối nhũn và đốm vòng.
– Virus: Chúng nhỏ hơn vi khuẩn và phải dựa vào các sinh vật khác để tồn tại và lan truyền. Triệu chứng trên cây có thể làm cho cây bị còi cọc, các lá bị quăn, nhăn nhúm và có màu hơi vàng hoặc tía. Một số bệnh virus chính là bệnh khảm thuốc lá, bệnh virus chữ Y trên khoai tây, xoăn lá virus.
– Tuyến trùng: Là những giun tròn cực kỳ nhỏ sống trong hoặc trên hệ rễ của cây làm cho rễ có những cục u bướu nhỏ ngăn cản sự sinh trưởng, làm hại lớp vỏ thân củ khoai… Tuyến trùng gây hại quan trọng nhất là loại tuyến trùng làm sần rễ và tạo thành thành túi ổ ở rễ.
– Bệnh có thể được lan truyền nhờ gió, côn trùng hoặc nước. Đôi khi một loại bệnh có thể tồn tại trong hạt giống hoặc tàn dư còn lại của cây trồng trước. Sự tồn tại và lan truyền của sinh vật gây bệnh bị tác động rất lớn bởi độ ẩm, nhiệt độ và ánh sáng.
3.2 Những nhân tố ảnh hưởng tới sự nhiễm bệnh ở cây trồng
Các nguyên nhân khiến cây trồng nhiễm bệnh có thể gói gọn chung trong 3 nhóm chính sau đây:
– Tác nhân gây bệnh.
– Yếu tố môi trường.
– Tự bản thân cây trồng (cây chủ).
Ba nhân tố này tạo thành cái gọi là tam giác bệnh. Bệnh có thể được quản lý bằng cách tác động tới bất cứ một trong các yếu tố này để gây cản trở sự phát triển của chúng. Cách quản lý bệnh tốt nhất là phòng bệnh vì bệnh thường khó khống chế khi cây đã bị nhiễm bệnh và chúng có thể lây lan sang cây trồng khác rất nhanh.
3.3 Phòng trừ bệnh hại trong nông nghiệp hữu cơ
Trong tư duy về bệnh hại, bước đầu tiên quan trọng nhất là chúng ta phải nhận thức rõ rằng bệnh hại phải được quản lý chứ không phải là được diệt trừ. Cụ thể:
– Quản lý có nghĩa là có đầy đủ một loạt các hoạt động hỗ trợ nhau giảm thiểu bệnh hại trong quá trình canh tác. Các hoạt động này phải được lập kế hoạch cẩn thận và thực hiện trong thời gian dài hạn qua một vài vụ, bởi bệnh hại trong nông nghiệp hữu cơ rất khó khống chế trong một vụ.
– Phải có các biện pháp kiểm soát nhằm phòng ngừa và các biện pháp kiểm soát để trì hoãn sự lan truyền thành dịch bệnh; bệnh hại không bao giờ được xóa bỏ hoàn toàn – nó chỉ có thể được giảm đi ở mức độ thấp nhất.
– Quá trình canh tác đòi hỏi có sự hợp tác của các hộ nông dân với nhau để làm giảm sự lây lan toàn bộ bệnh hại trong một khu vực canh tác rộng lớn. Đồng thời, quá trình canh tác đòi phải có người có thể quan sát được mức độ ảnh hưởng và lan truyền của bệnh ở phạm vi rộng hơn để kịp thời xử lý.
Các biện pháp chung để phòng ngừa hoặc ngăn cản sự phát triển của bệnh hại trong nông nghiệp hữu cơ là:
– Tác động tới nguồn bệnh bằng: Công tác vệ sinh.
– Tác động tới cây trồng bằng:
+ Sử dụng hạt giống khỏe.
+ Chăm sóc để cây trồng khỏe.
+ Sử dụng giống kháng.
– Tác động tới môi trường bằng phương pháp:
+ Tạo khoảng cách giữa các cây.
+ Nghiên cứu thời gian trồng tương ứng với mùa vụ: Giống và tính thời vụ cũng có ảnh hưởng rất quan trọng đối với nhiều loại bệnh. Trên hai phương diện này, kinh nghiệm của người làm nông nghiệp sẽ có thể đưa ra được các đánh giá, dự đoán trồng cây nào vào thời gian nào có thể hạn chế được tối đa sâu bệnh gây hại.
Phòng trừ bệnh hại là một phần quan trọng trong công tác bảo vệ cây trồng, bởi vậy chúng ta phải cập nhật các kiến thức về chúng một cách khoa học, bài bản để có cách kiểm soát chúng dài hạn.
4. Cách Valucha phòng trừ sâu bệnh khi canh tác nông nghiệp hữu cơ
Valucha đã triển khai các phương pháp canh tác nông nghiệp hữu cơ thông minh và bền vững. Với vấn đề sâu, bệnh hại cây trồng, Valucha tập trung vào sử dụng các loại chế phẩm sinh học từ thiên nhiên an toàn để kiểm soát thay vì các chất trừ sâu hóa học. Đồng thời, việc sử dụng các phân bón vi sinh hữu cơ giúp cây khỏe mạnh từ bên trong, chính là giúp cây có “sức đề kháng” tốt với chính sâu bệnh hơn.
Kỹ thuật canh tác hữu cơ của Valucha giúp duy trì sự cân bằng tự nhiên, giảm tác động tiêu cực lên môi trường, phục hồi hệ sinh thái và đảm bảo sản phẩm nông sản an toàn cho sức khỏe con người.
Để tìm hiểu thêm về các phương pháp phòng trừ sâu bệnh theo hữu cơ, mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Cổ phần Giải pháp Nông nghiệp Valucha
Địa chỉ: Số 1 ngõ 197/318/3/47 tổ 12 đường Thạch Bàn, Quận Long Biên, Hà Nội.
Hotline: 0903.221.099
Email: valuchaasj@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/valucha.nongnghiep
**Tài liệu tham khảo:
- Tài liệu dự án “Phát triển khuôn khổ cho sản xuất và marketing nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam” của Hội nông dân Việt Nam (VNFU) và Agricultural Development Denmark Asia (ADDA) Đan Mạch.
- Giáo trình huấn luyện nông dân sản xuất hữu cơ của Agricultural Development Denmark Asia (ADDA) Việt Nam.