Tỏi là gia vị quen thuộc gian bếp của mọi gia đình. Nhưng không nhiều người biết rằng đây còn là một loại nguyên liệu có khả năng phòng trừ sâu bệnh rất hiệu quả trong canh tác nông nghiệp hữu cơ.
1. Công dụng chung của tỏi
Tỏi không chỉ là một loại gia vị phổ biến trong ẩm thực mà còn có nhiều công dụng tuyệt vời khác. Tỏi chứa chất chống oxy hóa, có khả năng chống vi khuẩn và virus, hỗ trợ hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe tim mạch và huyết áp. Ngoài ra, nó còn được sử dụng trong việc làm đẹp da, điều trị cảm lạnh và tăng cường sức khỏe toàn diện.
Bên cạnh đó, tỏi có đặc tính sát khuẩn, diệt nấm, xua đuổi và gây khó chịu cho động vật ăn nó. Chính vì vậy, trong canh tác nông nghiệp hữu cơ hiện nay tỏi được sử dụng như một nguyên liệu phổ biến để điều chế dung dịch thảo mộc để phòng chống sâu bệnh cho cây trồng.
2. Một số cách sử dụng tỏi trong nông nghiệp hữu cơ
Chất allin có trong tỏi là một axit hữu cơ, khi bị đập dập sẽ kết hợp với Allinase có trong tỏi để tạo thành Allicin có khả năng kháng khuẩn, khử trùng, giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc và cả sâu bệnh gây hại cho cây trồng một cách tự nhiên, hiệu quả.
Tỏi dùng để điều chế thành dung dịch thuốc trừ sâu tự nhiên nên dùng loại tỏi được trồng sạch, không chứa dư lượng các chất hóa học. Bởi liều lượng lớn phân hóa học sẽ làm giảm sự cô đặc các chất có liệu lực trong tỏi.
2.1 Tỏi dùng để trừ các loại sâu trong nông nghiệp hữu cơ
Có rất nhiều cách sử dụng tỏi để phòng trừ sâu bệnh trong nông nghiệp, dưới đây là một cách làm khá phổ biến được nhiều bà con nông dân áp dụng:
Cách điều chế
– Trộn đều 100 gram nhánh tỏi khô đã được nghiền nát với 0,5 lít nước và 10 gram xà phòng (sử dụng kali cacbonat còn gọi là bồ tạt được sử dụng đề làm nước rửa bát đĩa. Không sử dụng bột xà phòng giặt hiện đại có chứa natri hydroxit sẽ gây hại cho cây trồng).
– Lọc hỗn hợp bằng một mảnh vải thưa.
– Pha loãng dung dịch với 5 lít nước.
Cách sử dụng:
– Lắc trộn đều dung dịch trước khi phun cho cây. Sử dụng bình phun hoặc nhúng ngọn của một túm cỏ để vẩy rắc dung dịch lên trên cây. Nên sử dụng hỗn hợp ngay để có hiệu quả tốt nhất.
– Tỏi có hiệu lực chống lại nhiều loại sâu bệnh ở các giai đoạn khác nhau trong một vòng đời của chúng (trứng, sâu non, con trưởng thành). Các loại này gồm kiến, mổi, rệp, bọ, ve bét, sâu khoang, sâu xanh bướm trắng, sâu tơ, sâu đục quả đào, bọ nhảy, bọ cánh cứng, chuột cũng như nấm và vi khuẩn.
– Tuyến trùng cũng có thể bị khống chế khi đất bị sũng ướt cùng với dung dịch nước tỏi. Tuy nhiên biện pháp này cũng tiêu diệt nhiều loại côn trùng và vi khuẩn có ích ở trong đất nên người dân cần cân nhắc khi sử dụng.
2.2 Tỏi dùng để trừ các loại bệnh trong nông nghiệp hữu cơ
– Nghiền tán nhỏ củ tỏi khô. Bột tỏi có thể được sử dụng trực tiếp lên cây bị nhiễm sâu bệnh. Cách phun cũng có kết quả tốt bằng cách hòa bột tỏi với nước.
– Lượng bột tỏi tùy thuộc vào từng loại tỏi có chất lượng tốt hay không. Có thể khống chế bệnh ghẻ vỏ cây, nấm sương, dỉ sắt hại đậu và bệnh nấm sương trên cây cà chua.
2.3 Tỏi dùng để trừ ốc sên trong nông nghiệp hữu cơ
Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm về 9 loại chất diệt trừ loài động vật thân mềm (các chất diệt ốc và ốc sên) do các nhà sinh vật học của Trường đại học Newcastle thực hiện, cho thấy, sản phẩm tỏi tinh chế là chất có tác dụng diệt ốc sên hiệu quả nhất.
Theo các nhà khoa học, ở Anh ước tính hàng năm chi khoảng 30 triệu Bảng Anh để bảo vệ rau diếp, cải bruxen, khoai tây và lúa mì vụ đông chống lại ốc sên và ốc; và cho đến nay, thuốc trừ sâu là biện pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, nhận thức về mối nguy hại tiềm năng của một số loại thuốc trừ sâu đối với sức khoẻ của con người và môi trường gia tăng, theo Tiến sĩ Port, cần tìm ra các biện pháp mới, thân thiện môi trường để diệt trừ động vật thân mềm và tỏi có thể là một giải pháp.
Từ lâu nay, tỏi đã được sử dụng như là một phần của chiến lược “trồng xen” và theo các tài liệu lịch sử, các thầy tu đã trồng tỏi cạnh các cây trồng khác để bảo vệ cây trồng chống sâu hại lại gần. Tiến sĩ Port cho rằng, phát hiện này có thể sẽ được những người làm vườn theo kỹ thuật trồng trọt hữu cơ đón nhận như là một biện pháp thay thế thuốc trừ sâu.
3. Lợi ích tỏi đem lại trong canh tác nông nghiệp hữu cơ
Tỏi được ứng dụng rộng rãi trong canh tác nông nghiệp hữu cơ đã mang lại rất nhiều lợi ích cho quá trình canh tác, sức khỏe con người và môi trường tự nhiên:
– Việc sử dụng tỏi trong diệt trừ sâu bệnh khi canh tác nông nghiệp hữu cơ không chỉ thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển tốt của cây trồng, mà còn giúp tăng năng suất vụ mùa. Do giá bán của tỏi trên thị trường không quá cao nên chi phí đầu tư cho việc tạo dung dịch sinh học từ tỏi khá thấp. Điều này giúp người nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí trong quá trình canh tác, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả nông nghiệp một cách rất tiết kiệm.
– Ngoài ra, việc dùng tỏi thay thế cho các loại thuốc trừ sâu trong trồng trọt giúp giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường từ các chất hóa học. Tỏi không gây ra những tác động tiêu cực cho đất đai và không gây ra ô nhiễm nước ngầm, giúp duy trì cân bằng sinh thái của vùng trồng trọt.
– Tỏi còn trực tiếp mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe khi góp phần tạo ra các nông sản an toàn, không chứa hóa chất độc hại cung ứng tới tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tỏi còn trực tiếp bảo vệ sức khỏe của người lao động bởi khi dùng tỏi người dân sẽ không còn phải dùng các loại thuốc hóa chất độc hại.
Tài liệu tham khảo:
- Tiêu chuẩn Hữu cơ PGS Việt Nam của Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (VOAA), Phiên bản thứ 3, Được IFOAM công nhận tháng 9/2013.
Để mua sắm sản phẩm và tìm hiểu thêm về nông nghiệp hữu cơ, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Công ty Cổ phần Giải pháp Nông nghiệp Valucha
Địa chỉ: Số 1 ngõ 197/318/3/47 tổ 12 đường Thạch Bàn, Quận Long Biên, Hà Nội.
Hotline: 0903.221.099
Email: valuchaasj@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/valucha.nongnghiep